Kỳ thi Cao khảo hay Đại học ở Trung Quốc nổi tiếng với sự khắc nghiệt, tính cạnh tranh vô cùng cao. Áp lực học hành, điểm số, sự kỳ vọng của cha mẹ đè nặng lên đôi vai của những cô bé cậu bé 17, đôi mươi. Khiến tỉ lệ học sinh lớp 12 tự tử hàng năm ở đất nước tỉ dân này luôn nằm top thế giới. Sau đây Wikiso.net giới thiệu tới bạn 5 bài thi văn đạt điểm tuyệt đối trong kì thi đại học ở Trung Quốc. Cùng đọc và suy nghĩ nhé!
Bài thi văn đạt điểm tuyệt đối 150/150 trong kì thi đại học Trung Quốc 2019!
Đề: Dựa theo tài liệu bên dưới, chọn góc độ, tự nghĩ đề bài, viết bài văn trên 800 chữ, không hạn chế thể văn (trừ thơ).
“Mỗi vật đều có 1 tính, nước thì nhạt, muối thì mặn. Nước thêm nước vẫn là nước, muối thêm muối vẫn là muối. Chua ngọt cay nhạt mặn, năm vị điều hoà, cùng tồn tại hòa trộn tạo ra trăm ngàn vị khác. Vật đã thế, sự việc cũng thế, con người càng thế.”
Thí sinh đạt điểm tuyệt đối đã đặt tựa đề:
Củ cải nấu lên vẫn là củ cải, củ cải nướng thịt thì đã khác
Tom là một cậu bé chăn cừu, cậu có một đàn cừu thuần màu trắng như một đám mây cực lớn. Chính vì thế Tom cực kì ghét con cừu đen duy nhất trong đàn, cậu luôn hăm he làm thịt nó.
Vào một ngày mùa đông nọ, trời đổ tuyết lớn, đàn cừu màu trắng lẫn trong nền tuyết làm Tom không cách nào tìm được. Cuối cùng nhờ con cừu đen duy nhất đó mà Tom tìm về được đàn cừu của mình.
Từ đây Tom hiểu được một đạo lý, thuần tuý cố nhiên rất đẹp, thế nhưng cộng sinh hài hoà lại càng tốt hơn.
Trên thực tế, mỗi vật đều có tính chất khác nhau, có vẻ đẹp khác nhau. Hổ dễ nổi nóng, khỉ hấp tấp, cừu hiền lành, động vật đã vậy, thực vật lại càng thú vị hơn, trên đời này không bao giờ có hai chiếc lá giống hệt nhau, cả những thứ cùng loại cũng không phải nhất thành bất biến huống chi là những vật khác nhau hoàn toàn.
Vật đã thế, con người càng thế…
Tả Truyền từng viết: tư tưởng con người không ai giống ai, mỗi người một vẻ. Mà tư tưởng thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào tính cách của người đó. Nếu muốn tôn trọng cái gọi là tư tưởng đó thì cần học cách khoan dung, đừng bao giờ vọng tưởng thống nhất tư tưởng, nó là điều phi lý.
Nhưng vấn đề là đã không cách nào thống nhất tư tưởng, vậy phải chung sống thế nào?
Có hai cách, một là tập hợp những người cùng chung chí hướng, những người cùng chung sở thích tập hợp với nhau, hình thành nên một quần thể có quan niệm chung.
Nhưng tiếc là chuyện này rất hiếm có, như củ cải nấu lên vẫn là củ cải, củ cải nướng thịt thì đã khác, làm sao có tư tưởng nào giống tư tưởng nào hoàn toàn.
Sự tham gia của nhiều tư tưởng giống mà khác nhau này còn phá vỡ sự cân bằng sản sinh ra biến hoá. Cát rơi vào miệng trai, thành trân châu quý giá, bụi trong hơi nước hoà thành mưa. Chính vì thế có một câu nói rất đúng rằng: “Người với người khác nhau, chưa chắc là chuyện xấu, chim diều không cần phải biến thành quạ mới có thể chung sống hoà bình.”
Nói cách khác là mỗi người một vẻ, tức là hoà hợp.
Từ bản thể triết học mà nói, hoà hợp là quy luật vận hành của vạn vật. Lão Tử nói: “Vạn vật đều có âm có dương, cân bằng âm dương chính là hoà hợp.”
Từ góc độ triết học mà nói, hoà hợp là cảnh giới cuối cùng mà con người theo đuổi. Lễ ký viết: “Những kẻ biết hoà hợp mới là kẻ làm chủ và đạt được cái đạo của thiên hạ”. Hoà hợp tạo ra sự xây dựng, sản sinh, thuận tiện, thành công và thịnh vượng.
Từ góc độ phương pháp luận triết học thì hoà hợp là quy tắc làm người cơ bản. Luận ngữ viết: “Quân tử hoà hợp nhưng cũng khác nhau.” Chỉ khi thuận theo quy tắc hòa hợp để diễn sinh phát triển thì mới có thể tồn tại lâu dài.
Từ góc độ sinh học thì cộng sinh là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong hệ sinh thái. Hai loại sinh vật cùng giúp nhau tồn tại, thiếu một bên, bên còn lại cũng khó sống nổi. Như tảo và nấm cộng sinh, cá sấu cộng sinh với chim bắt sâu, bò tót cộng sinh với chim ăn ruồi bọ.
Hoà hợp mà khác biệt, cái quan trọng nhất là phải chấp nhận và dung nhập vạn vật, thứ hai là biết chọn lựa và sử dụng những thứ phù hợp với đặc tính tự thân để hoàn thiện chính mình. Cuối cùng là đặt mình trong nhiều hoàn cảnh, tập cho bản thân tính phóng khoáng lạc quan.
Dù là một chỉnh thể bền chắc như thép cũng phải có một thứ khác biệt để điều hoà. Không ít những công ty quốc tế luôn giữ vài người có ý kiến trái ngược nhau trong hội đồng quản trị, những người này sẽ luôn soi mói làm khó dễ các quyết định được hội đồng đưa ra, thế nhưng chỉ có vậy mới có thể thúc đẩy hội đồng đưa ra những quyết sách chính xác và đúng đắn nhất.
Từ Tiểu Bình từng nói: “Với những người gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, trong nhóm có 3-4 người trung thành và 1 người luôn làm trái lại, chính là tổ hợp tuyệt vời nhất.”
Đạo lý này rất đơn giản, kẻ làm trái lại ấy đóng vai người điều hoà, anh ta phản bác, đánh thức, thúc tiến người lãnh đạo, như chim gõ kiến trên cây, vừa là bác sĩ vừa là kẻ gây tai hoạ. Nhưng nó sẽ luôn luôn tồn tại song hành với bạn.
Vậy vấn đề mới lại sinh ra, dung hợp có làm mất đi bản chất của mình không? Hoà hợp, chỉ là điều hoà, không phải hoà tan rồi làm mất bản thân. Bạn có thể đứng ở Trung Quốc nhìn ra thế giới, cũng có thể đứng ngoài thế giới nhìn vào Trung Quốc, nhưng đầu tiên bạn phải là người Trung Quốc là dân tộc Trung Hoa, sau mới là thế giới.
Muối bỏ vào nước sinh thành nước muối. Nước muối bỏ thêm vịt cũng chỉ là nước muối vịt. Mặc cho bạn dung hoà vào quần thể thế nào, bạn cũng phải biết mình luôn là muối, mỗi thứ mỗi vẻ, trăm vẻ dung hoà!
3 bài thi văn đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc năm 2016.
Với đề bài dạng mở, nhìn hình ảnh và tự lựa chọn chủ đề để viết. Thí sinh được tự do suy nghĩ, nêu ra ý kiến của bạn thân mà không bị o ép trong giới hạn chủ quan của người ra đề.
Đề bài: Trên một bức tranh châm biếm vẽ hai học sinh đang giơ số điểm thành tích bài thi lên, trên má một học sinh có in hình chiếc môi vừa hôn lên đó, trên má một học sinh khác in hằn cát tát của bàn tay… Yêu cầu: kết hợp nội dung và ngụ ý của bức tranh châm biếm, lựa chọn góc độ, lập ý và thể loại văn phải rõ ràng, tự đặt mệnh đề cho bài làm. Không được rập khuôn, không được sao chép. Làm bài văn trên 800 chữ.
Kết quả của kỳ tuyển sinh năm 2016 này thì có 3 bài văn đạt điểm 10 lần lượt như sau:
Bài thứ nhất – Bức thư gửi mẹ
Mẹ thân yêu!
Trước hết con xin mượn một câu danh ngôn như sau: “Con người có thể leo lên đỉnh cao của danh dự, nhưng lại không thể nào sống lâu dài ở trên đó”. Con biết rằng mẹ gửi gắm niềm hy vọng tha thiết vào con, mong con mãi mãi là người con xuất sắc nhất, con cảm thông trước tâm trạng của mẹ mong con có thể như cá chép hóa rồng.
Trên thế gian này có người mẹ nào mà không mong con cái mình trở thành người con xuất sắc? Nhưng hôm nay con muốn thưa với mẹ rằng, xin mẹ tha thứ cho con không thể lúc nào cũng có thể trở thành đứa con xuất sắc nhất.
Con nhớ hồi con còn nhỏ, mẹ luôn đem con ra so sánh với con cái của người khác… Con nhớ thằng em họ có khi đến nhà mình ăn cơm lại nói: “Nào… đứa nào ăn nhanh nhất nào”. Mỗi lần thấy con ăn xong nhanh nhất mẹ lại gật gật đầu hài lòng.
Con nhớ hồi con tập đàn piano, mỗi lần tập mẹ lại ngồi nghe con đánh cho đến lúc âm điệu các nốt nhạc dưới ngón con trở nên trôi chảy rồi mẹ mới mỉm cười hài lòng và cho phép con rời khỏi cỗ đàn. Tuy con không hẳn ghét chơi đàn piano, nhưng con chán ớn việc thi trình độ chơi đàn piano. Mọi thứ đều từ kỳ vọng quá cao của mẹ.
Khi đứa bạn cùng lớp con cầm lá đơn thành tích được đánh giá trình độ trung bình mà vẫn hớn hở về nhà vì thành tích bạn đó có sự tiến bộ hơn. Nhưng trong lòng con thì lại hồi hộp vì mẹ yêu cầu con lần thi nào cũng phải đạt thành tích 95 điểm trở lên. Cho nên con mới lo sợ mặc dù thành tích của con đã rất tốt so với các bạn cùng lớp rồi.
Mẹ ơi, con mong mẹ có thể hiểu được mà cảm thông với con. Đôi khi áp lực cũng chính là động lực thật nhưng nhiều khi áp lực như quả trứng gà vậy. Trứng gà mà nứt mà bị nứt từ bên trong ra ngoài thì đó là sự sống nhưng trứng gà bị vỡ từ bên ngoài vào trong thì đó là sự diệt vong. Con mong được mẹ tôn trọng ý nguyện chân thật nhất của con từ trong nội tâm chứ không phải chỉ cứ gây áp lực cho con.
Quá trình trưởng thành của con không phải được quyết định bởi ý chí riêng của mẹ đâu. Cũng như nhà tư tưởng nhà văn Pháp Rousseau nói: “Trước khi trẻ em khôn lớn nên người, thế giới tự nhiên mong muốn trẻ em được sống như những trẻ em thực sự”.
Đôi khi con cũng liên tưởng đến các hiện tượng “mẹ hổ cha sói” trong xã hội. Họ là những phụ huynh nghiêm ngặt nhất chỉ mong con cái mình từ nhỏ đã có thể giành thắng lợi ngay trên vạch xuất phát có thể khác hẳn so với số đông người. Thế nhưng con cảm thấy con cái của họ không có niềm vui thực sự.
Mẹ ơi, con biết, mẹ lúc nào cũng thương yêu con. Cái vẻ bên ngoài lúc nào cũng nghiêm nghị của mẹ chẳng qua cũng vì mẹ mong muốn con càng xuất sắc hơn mà thôi. Có lẽ mẹ nên chọn biện pháp khác để chỉ bảo hướng dẫn cho con, động viên con. Con càng mong muốn có thể thấy mẹ của mình là một người phụ nữ dịu dàng hiền hòa.
Hôm nay con đang ngồi trong trường thi tuyển sinh đại học, rất có thể con đường đời dài dằng dặc sau này sẽ được viết bằng hoặc có sự thay đổi ngay dưới ngòi bút của con. Con chỉ muốn mượn dịp này muốn thưa với mẹ một câu rằng: lần này mẹ hãy để con là một người của chính con thực sự. Bất kể kết quả ra sao con cũng không hối hận.
Cảm ơn mẹ!
Con trai mẹ.
(Bài làm của thí sinh ở Quảng Đông – Kỳ thi tuyển sinh ĐH 2016 ở Trung Quốc)
Bài thứ hai: Thành tích như chiếc lá, đừng để lá che mắt
Trong bức tranh châm biếm, học sinh A đạt 100 điểm liền được thưởng một nụ hôn, nhưng thành tích sau đó chỉ vì 98 điểm liền bị phạt bằng cái tát tay. Học sinh B ban đầu chỉ đạt có 55 điểm nên trên mặt bị in hằn bàn tay của cái tát, sau đó thành tích nâng lên 61 điểm liền được thưởng một nụ hôn.
Xem xong bức tranh châm biếm này, bất giác phải đăm chiêu suy nghĩ, chỉ vì thành tích số điểm tăng giảm nhất thời mà được thưởng hoặc bị phạt như vậy, quả thực là quá sai lầm.
Thực ra, học sinh như gốc cây đang trưởng thành, thành tích như những chiếc lá trên cây. Không nên vì lá cây xanh tươi đẹp mắt mà quá vui mừng hớn hở, càng không nên vì lá cây không đẹp mắt mà phủ nhận hết rồi ra tay phạt thẳng thừng, đừng nên bị lá che mắt.
Học sinh trong quá trình trưởng thành, không phải chỉ có học tập, không phải chỉ có số điểm, mà nên còn có “niềm hứng thú và những mục tiêu xa”.
Nhưng trong môi trường lớn chỉ nhằm vào số điểm thành tích mà đánh giá tốt xấu, học sinh buộc phải theo đuổi thục mạng cho làm sao để có thể nâng cao số điểm, không được thụt lùi một chút nào hết, thậm chí còn bị đòi hỏi khắt khe thành tích phải đạt điểm tối đa.
Thành tích như chiếc lá che mắt nhiều bậc phụ huynh…
Đây là hành vi trái với quy luật, quá trình trưởng thành của học sinh cần có sự từng trải của hạnh phúc càng cần có những trải nghiệm của khó khăn và trắc trở. Trong quá trình học tập, học sinh phải có nhận thức cần phải bỏ mồ hôi ra, cũng nên biết rằng không phải sau mỗi lần cố gắng đều có thể tiến bộ được ngay tức khắc.
Nên biết rằng sự tiến bộ chưa chắc đã có sự thể hiện ngay bằng điểm số thành tích, nên biết rằng số điểm thành tích lúc lên lúc xuống là hiện tượng bình thường. Chỉ có cố gắng học tập một cách bền bỉ, không ngừng tích lũy mới có thể khiến chính mình trưởng thành hơn, mới có thể nở hoa kết trái của nhân sinh.
Cha mẹ là những người hết sức quan trọng trong cuộc sống của con cái. Làm sao cha mẹ có thể đánh giá một cách tùy ý số điểm của thành tích mà bất chấp sự phát triển toàn diện của con cái mình.
Học sinh tựa như một gốc cây, thành tích học tập như lá cây vậy phụ huynh đừng nên bị lá cây che khuất mắt. Cũng như hiện tượng nói trên, tại Trung Quốc các trường Trung học và Tiểu học phải đương đầu với nhiều áp lực về tỉ lệ học sinh thi đỗ lên các cấp, nhiều khi vì thành tích số điểm của học sinh mà như lá che khuất mắt vậy.
Ví dụ như tương đối phiến diện trong đánh giá trình độ dạy học của giáo viên, thường chỉ đánh giá giáo viên bằng thành tích thi cử trong giai đoạn cuối kỳ nào đó của lớp học do họ phụ trách mà không trông thấy những công sức miệt mài đổ mồ hôi vất vả của giáo viên trong thường ngày. Càng không thấu hiểu những trăn trở của giáo viên nơi bục giảng.
Cũng như vậy thôi việc giảng dạy của giáo viên không chỉ giới hạn trong điểm số của học sinh. Giáo viên cũng như gốc cây vậy thành tích như lá cây, nhà trường đừng bị lá cây che mắt.
Thành tích lợi ích đều như lá cây chớ nên bị lá cây che mắt. Tất nhiên con người khó tránh khỏi giới hạn bởi các sự vật bên ngoài che khuất. Bất cứ sự vật nào cũng cần có tiêu chuẩn cân đo bằng các con số nhất định nhưng không thể chỉ nhằm vào các chỉ số mà không thể thấy được toàn diện và tổng thể. Nên cần có tiêu chuẩn đánh giá và phương thức bình phẩm đa nguyên và toàn diện mới tránh khỏi hiện tượng bị lá che mắt.
(Bài làm của thí sinh tỉnh Giang Tây, Trung Quốc)
Bài thứ ba: Đối xử khác biệt nhưng không khác biệt
Sự khác biệt giữa khen ngợi và trách mắng là ở điểm nào?
Đối với bạn thứ nhất mà nói, đó là cự ly tính bằng milimet giữa 100 điểm và 98 điểm. Đối với bạn thứ hai mà nói, là sự vượt qua khoảng cách giữa chưa đạt điểm trung bình và đã đạt điểm trung bình. Hiện tượng khác biệt này xem ra như không nghĩa lý gì cả nhưng suy ngẫm cho cùng thì lại ngộ ra cái hợp lý trong đó.
Như người ta thường nói, con người mới sinh ra đã không có sự công bằng, kể từ giây phút em bé lọt lòng cất tiếng khóc chào đời, thì mỗi sinh mệnh đều trở thành một sinh mệnh độc lập. Nó có ngay cái thứ được gọi là giá trị tốt xấu của chính bản thân em bé đó. Con người sinh ra vốn đã như vậy rồi, thì làm sao có thể vạch một đường thẳng thống nhất giống nhau, đặt ra những quy định mỏng manh để so đo với mỗi sinh mệnh tươi mới và độc lập khác được.
Cách đây ba ngàn năm, Khổng Tử đã đưa ra chủ trương “Nhân tài thi giáo” nghĩa là dựa vào trình độ đặc điểm khác nhau của mỗi học sinh mà áp dụng những phương pháp dạy khác nhau. Học trò của Khổng Tử đông đến ba ngàn người. Có người giàu tới mức như tỷ phú trong nước, có người chức vị cao ngang quan thần triều đình. Học trò đủ loại không một ai giống ai, vậy mà Khổng Tử được người muôn đời sau ca ngợi tôn kính là nhà giáo dục vĩ đại.
Nguyên nhân căn bản là vì Khổng Tử có thể nắm bắt được chính xác đặc tính mạnh yếu tốt xấu của từng học sinh, lấy hơn bù kém, áp dụng phương pháp giáo dục theo đặc thù với từng học sinh. Nhờ sự đối xử khác biệt như vậy của Khổng Tử khiến mỗi học sinh của ông đều có thể phát huy đầy đủ sở trường của mình, mỗi người đều đạt tới kết quả học tập của họ.
Xã hội nên có những yêu cầu khác nhau với mỗi con người cũng như một cỗ máy đang vận hành không thể thiếu được tiếng động cơ chạy rầm rầm vừa không được coi nhẹ chiếc đinh ốc nhỏ nhỏ vô danh âm thầm lặng lẽ gắn trên cỗ máy đó.
Đối với bạn học sinh thứ hai trong bức hình, 90 điểm là số điểm quá cao rất có thể bạn đó không bao giờ vươn tới được, đạt điểm trung bình đã là hết năng lực của bạn ấy rồi. Nếu chúng ta đánh giá những con người khác nhau theo cùng tiêu chí thống nhất, thì trên thế gian này có biết bao các nhân tài kỳ dị khác thường bị mai một.
Xã hội của chúng ta cũng cần có sự đối xử khác biệt. Cũng như việc nghiên cứu phát minh con tàu vũ trụ cần có số liệu chính xác đến hơn 10 con số sau dấu thập phân. Thế nhưng khí thế hào phóng sôi nổi tự nhiên trong văn chương thơ họa chỉ đòi hỏi có đủ thần thái diện mạo miêu tả là được…
Mỗi ngành mỗi nghề, mỗi người mỗi vật đều có sở trường khác nhau nhưng đã thể hiện cùng thắng trong một khối cùng phát huy tài năng. Xét trên khía cạnh nói trên trường học chính là nơi có trách nhiệm gánh vác việc cung cấp nhân tài cho đất nước và xã hội, càng nên loại bỏ những khuôn phép cố định, nên từ bỏ quan điểm bảo thủ, cần phải cách tân đổi mới quan niệm, áp dụng những phương pháp giảng dạy khác nhau theo trình độ đặc điểm khác nhau của mỗi học sinh.
Tựa như điêu khắc gọt dũa những học sinh thành những nhân tài độc đáo bằng những lưỡi dao khác nhau vậy để đào tạo nên những trụ cột đất nước có sở trường và tài năng khác nhau. Đối xử khác nhau bằng tấm lòng giống nhau của người thợ, chuẩn tắc khác nhau nhưng sự mong đợi giống nhau.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng mỗi con người đều có hương thơm độc đáo khác nhau của họ, mỗi tồn tại của sự vật đều mang ý nghĩa độc đáo khác nhau của nó. Riêng tôi thì mong cho mình có thể trở thành con người có tinh thần ngay thẳng hào phóng thể hiện được phong thái độc đáo của mình. Đối xử khác biệt mà không khác biệt.
Bài văn đạt điểm tối đa của tỉnh Tứ Xuyên năm 2011
Luôn có một thứ để mong chờ
Luôn có một thứ để trông chờ, thuộc về bạn và thuộc về tôi. Thế giới đẹp đẽ này đã đón nhận chúng ta, những người vô tri, đó là sự khởi đầu nguyên sơ nhất của sự sống. Không biết từ ngày nào, chúng ta bắt đầu biết suy nghĩ, biết bày tỏ tình cảm của mình, biết ngẩng đầu ngắm nhìn bầu trời bao la bất tận, lúc đó, chúng ta đã chôn một hạt giống hy vọng, rồi lặng lẽ đợi chờ, đợi cho đến giây phút hạt giống nảy mầm nhô lên khỏi mặt đất, chiếu sáng, làm chói cả mắt của những người xung quanh. Trái tim đập mạnh của thời niên thiếu ngông cuồng, tràn đầy ước mong đối với tương lai.
Luôn có một thứ để trông chờ, thuộc về bạn và thuộc về tôi. Ánh nắng không bao giờ quyến luyến chúng ta mãi mãi, đôi khi ánh nắng cũng thay đổi khôn lường, bất chợt một trận mưa rào như trút nước, đổ vỡ sự trông chờ như đốm lửa le lói trong trái tim đập mạnh. Đôi khi đốm lửa nhỏ sẽ bị dập tắt ngay trong nháy mắt, song nó lại lúc tỏ lúc tối lại, nhưng không bao giờ bị dập tắt. Sự trông chờ này đã bén rễ ăn sâu trong lòng chúng ta, không phải chỉ một trận mưa thôi là có thể nhổ cả rễ lên được.
Luôn có một thứ để trông chờ, thuộc về tôi và thuộc về bạn. Chúng ta trông chờ ngày mà mộng tưởng của chúng ta nở hoa, sẽ là bến bờ của hạnh phúc. Mệt rồi, nhưng không dám nghỉ ngơi; sợ rồi, nhưng không dám lùi lại; thất bại rồi, không dám buông bỏ. Hết thảy mọi thứ, đều bắt nguồn ở sự trông chờ, bắt nguồn ở chỗ da diết, bắt nguồn ở lòng nhiệt tình và theo đuổi đối với thăng hoa của sự sống nhưng lại không thể bày tỏ bằng lời.Mà hết thảy, cũng đều bắt nguồn từ mộng tưởng ban đầu và sự kỳ vọng cuối cùng.
Luôn có một thứ để trông chờ, thuộc về tôi và thuộc về bạn. Đến một ngày nào đó thật sự chúng ta vẫn luôn luôn mang kỳ vọng, thì một thứ cảm giác lạc lõng và trống rỗng bỗng dưng xuất hiện trong lòng. Thế là buộc phải hỏi lại mình rằng, thứ mà tôi trông chờ,quả thật như vậy hay sao? Đó là trông chờ có thể trở thành tiêu điểm để muôn vàn người để ý đến,hay là để hưởng thụ cuộc sống của cải tiền bạc tràn trề? Hình như là như vậy, nhưng đều không phải là như vậy.
Dưới sự gọt giũa của thời gian, cuối cùng thì chúng ta sẽ vỡ lẽ ra rằng, thứ mà chúng ra trông chờ thì ra không phải là kết quả cuối cùng của chúng ta, cho nên đến giờ phút cuối cùng, chúng ta sẽ cảm thấy hồn bay phách lạc.
Sự trông chờ của chúng ta, bỗng chốc biến thành đau khổ hay vui mừng, nhưng lại rất có ý nghĩa. Thứ duy nhất có thể để sự sống của chúng ta thăng hoa chính là mộng tưởng, và quá trình diễn biến của giấc mơ.
Luôn có một thứ để trông chờ, thuộc về tôi và thuộc về bạn. Đó là một thứ tinh hoa tình cảm hết sức mạnh mẽ, và do chính tinh hoa đó toát nên, là hiện thực của mộng tưởng, cùng đến song song chính là sự lột xác của chúng ta.
Luôn có một thứ để trông chờ, thuộc về tôi và thuộc về bạn. Sự trông chờ này chính là khí thế, là động lực, là đỉnh núi, đứng trên đỉnh núi đó, hết thảy những gì trong tương lai của chúng ta đều xuất hiện trong tầm mắt, đặt chân lên đó, có thứ an toàn dày dạn và vững chắc vậy.
Luôn có một thứ để trông chờ, thứ mà khiến chúng ta có được sự trông chờ đó, hình như sẽ có được cả thế giới này.
Mỗi bài thi văn đạt điểm tuyệt đối là sự chứa đựng những hiểu biết, kiến thức chuyên sâu, khả năng vận dụng ngôn từ linh hoạt uyển chuyển của thí sinh. Gợi cho người đó có nhiều suy ngẫm về những triết lý nhân sinh sâu sắc. Qua đó bạn cũng thấy được sự khốc liệt, tính cạnh tranh cao của học sinh Trung Quốc. “Áp lực tạo ra kim cương” luôn đúng trong trường hợp này.
Hi vọng những thông tin giúp ích cho bạn nhất là những sĩ tử chuẩn bị tới ngưỡng cửa Đại học hãy trang bị cho mình những hành trang cần thiết để đưa đất nước sánh vai với cường quốc năm châu!