Đại Triều phục của quan lại nhà Nguyễn được ban cho các quan văn võ cao cấp, là lễ phục thuộc hàng cao quý nhất đế quốc Đại Nam. Các lớp trong và ngoài của bộ Đại Triều phục được xếp theo thứ tự đeo/mặc như sau:
∎ Võng cân (網巾): lưới bọc tóc, có hai dây buộc nhằm bao quanh đầu và cố định tóc.
∎ Miệt (襪): bít tất.
∎ Oa (鞾): hia, màu đen.
∎ Thường (裳): xiêm y mặc phía trong áo bào, gồm phần áo phía trên nối liền phần xiêm phía dưới – màu sắc xiêm tùy theo phẩm trật.
∎ Tứ linh bào (四靈袍): còn gọi là áo mãng bào, được dệt hình tứ linh – các màu lục, lam, đen được tùy nghi sử dụng cho quan từ nhất phẩm đến tam phẩm (1804).
∎ Đái (帶): đai lưng, cốt tre bọc vải đỏ, bề mặt sức vàng hoặc đồi mồi bọc vàng bạc tuỳ theo phẩm trật.
∎ Phát đầu quan (幞頭冠): còn gọi là mão phát đầu, mão dành cho quan từ thất phẩm trở lên, quan văn có đỉnh tròn gọi là “viên phát đầu” và quan võ có đỉnh vuông gọi là “phương phát đầu”.
∎ Hốt (笏): thẻ cầm tay, được làm bằng ngà hoặc gỗ tuỳ theo phẩm trật.
ĐẠI TRIỀU PHỤC CỦA QUAN VÕ VIỆT NAM
Tứ linh bào là hình tượng trang phục phổ biến về triều đình Đại Nam, trên áo có hình tứ linh gồm: rồng (4 móng), kỳ lân, rùa và phụng.
Áo khi xưa được dệt tại Trung Hoa (dệt cài hoa, họa tiết theo phong cách cuối Minh đầu Thanh), được chuyển về Nam quốc và may theo kiểu dáng của Nam triều.
Lưng áo có 2 cánh lớn phía sau, được may vào mỗi bên, gọi là “dực” hoặc “cánh diều”. Chi tiết trang phục độc đáo này (cùng với kích thước đặc biệt của nó) đã xuất hiện muộn nhất ở cung đình Việt Nam vào thời Lê Trung hưng – Chúa Nguyễn và được triều Nguyễn kế thừa.
Vào năm 1832, vua Minh Mạng ra chỉ dụ: “Áo bào của quan tam phẩm trở lên tục gọi là áo bào Tứ linh, có hình rồng trong đó […] cách gọi như vậy đều không phù hợp, bởi hình phụng, lân, rùa chỉ là hình phụ họa mà thôi, chỉ cần gọi Mãng bào là được.” Do đó áo còn được gọi là Mãng bào (rồng 4 móng – tức con mãng).
Đái (đai lưng) tùy vào từng phẩm trật mà được đính các miếng hình phương, trường, biển với số lượng và chất liệu khác nhau (vàng hoặc đồi mồi bọc vàng/bạc).
Điển chế cũng cho thấy vào giai đoạn sơ kỳ, quan viên triều Nguyễn sử dụng đai lưng với số lượng vàng được sức lớn gấp nhiều lần so với đai lưng ở giai đoạn về sau (trung kỳ, hậu kỳ).
Phát đầu quan (hay mão phát đầu/phác đầu/phốc đầu) được trang trí các miếng khỏa kiều, hốt, ngạch tường, hoa, giao long với số lượng và chất liệu (vàng hoặc bạc) tùy vào phẩm trật người đội.
Khi kết hợp với mãng phục, mão phát đầu hợp thành sự khoa trương hoàn chỉnh cho bộ Đại triều phục Nam triều – khác biệt so với các triều đại “đồng văn” thường sử dụng mão ô sa/phát đầu trơn.
Sách ‘Ngàn Năm Áo Mũ’ cũng nhận định: “Việc sức trang sức vàng bạc lên mũ dường như đã trở thành truyền thống của các triều đại Việt Nam”.
Hình tượng quan viên triều Nguyễn (giai đoạn Sơ kỳ) mặc Đại Triều phục, tay cầm hốt.
Vì búi tóc người Việt được búi trễ về phía sau, nên mão của vua quan triều Nguyễn có xu hướng đội ngửa ra để tránh búi tóc thay vì chụp thẳng xuống đầu. Các hình ảnh lịch sử cũng thể hiện chi tiết này.
Đặc điểm búi tóc tạo nên sự khác biệt về cách đội mão của quan viên Đại Nam so với Đại Minh, Triều Tiên.
Đại Triều phục nhà Nguyễn được kế thừa bản sắc trang phục của các triều đại quân chủ Việt Nam từ trước, đó là tính khoa trương về thẩm mỹ cung đình – nếu đứng thứ nhì thì khối “đồng văn” không ai dám nhận đứng thứ nhất (Mãn Thanh/Trung Hoa vốn nặng về tính hoành tráng với bố cục trang trí chặt chẽ, trong khi triều phục Nhật Bản và Triều Tiên lại có tính tối giản hơn nhiều).
Trang phục được nhóm Great Vietnam tái hiện lại thuộc dự án “Đại-Triều-phục” và mô phỏng ở mức độ đặc biệt công phu, dự án sử dụng các công cụ và chất liệu hiện đại.
Hy vọng với sự đam mê, nhiệt huyết của những bạn trẻ đã dành thời gian, tâm huyết để nghiên cứu lan tỏa văn hóa bản sắc dân tộc. Chúc dự án sẽ phát triển mạnh mẽ, giúp văn hóa cổ phục Việt Nam lan tỏa đến bạn bè năm châu.
Theo dõi wikiso.net để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích nhé
- Hình ảnh, tư liệu thuộc về Great vietnam